Thiết Kế Bố Cục Dễ Dàng với 5 Quy Tắc Layout Cơ Bản

29/04/2025 32

Layout trong thiết kế đồ họa được hiểu đơn giản là sự xếp đặt nội dung cũng như các yếu tố đồ họa trong bản thiết kế nhằm mục đích đồng nhất và hợp lý cho ấn phẩm. Việc này bao gồm việc sắp xếp bố cục, trình bày các chi tiết bằng việc cắn chỉnh tỷ lệ, khoảng cách và xác định vị trí cho các bộ phận xuất hiện trong thiết kế.

Thiết Kế Bố Cục Dễ Dàng với 5 Quy Tắc Layout Cơ Bản

Một thiết kế đẹp chưa hẳn đã hiệu quả nếu người xem không thể tiếp nhận thông tin một cách dễ dàng. Đây chính là lúc layout, “bộ khung” sắp xếp mọi thành phần phát huy vai trò quan trọng giúp dẫn dắt mắt người xem, tạo cảm giác mạch lạc và chuyên nghiệp. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết về Layout. Có thể bạn không chú ý đến layout nhưng một layout tốt luôn làm tăng giá trị cho thông điệp và nâng tầm trải nghiệm người dùng.

1. Thông tin cơ bản về Layout

1.1. Layout là gì?

Thuật ngữ Layout trong thiết kế đồ họa được hiểu đơn giản là sự xếp đặt nội dung cũng như các yếu tố đồ họa trong bản thiết kế nhằm mục đích đồng nhất và hợp lý cho ấn phẩm. Việc này bao gồm việc sắp xếp bố cục, trình bày các chi tiết bằng việc cắn chỉnh tỷ lệ, khoảng cách và xác định vị trí cho các bộ phận xuất hiện trong thiết kế.

Cụ thể hơn, Layout bao gồm những thao tác bạn sử dụng để thiết kế phần trình bày cho ấn phẩm của mình. Bạn cần chú ý căn chỉnh cả phần nội dung lẫn hình ảnh, chi tiết sao cho hợp lý và đẹp mắt nhất. Căn lề bao nhiêu là hợp lý, khoảng trống cần thiết cho ấn phẩm này là bao nhiêu, khoảng cách hợp lý giữa các ô là bao nhiêu,… tất cả câu trả lời sẽ giúp bạn hoàn thiện được bản thiết kế của mình với Layout đẹp mắt.

1.2. Template là gì?

Template chính là các mẫu layout đã được dàn trang, là những thiết kế có sẵn với màu sắc và bố cục bất kỳ. Khi cần sử dụng đến Template, bạn chỉ cần tải các mẫu có sẵn này về và thêm vào các nội dung, các thông tin hay chỉnh sửa lại phần đồ họa theo mục đích hay sở thích, miễn sao sau khi hoàn thiện bạn có được sản phẩm ưng ý của riêng mình hoặc đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.

Với những bản template có sẵn như vậy, bạn có thể sử dụng chúng vào nhiều lĩnh vực hay nhiều đối tượng khác nhau. Các layout được dàn sẵn theo phong cách đơn giản và phổ biến nhất sẽ giúp bạn hoàn thiện ấn phẩm của mình nhanh chóng hơn cũng như gợi ý cho bạn những mẫu layout độc đáo khác để tham khảo. Như vậy, ngay cả khi bạn không phải một designer chuyên nghiệp thì vẫn có thể sử dụng nguồn tư liệu có sẵn như Template để hoàn thiện các ấn phẩm của mình.

Template có sẵn mà bạn có thể tham khảo và sử dụng như các slide trình chiếu trong phần mềm Powerpoint, các template trong lĩnh vực thiết kế web hay các template có sẵn cho soạn thảo văn bản trong Word,… Các công cụ này đều có giao diện thân thiện và dễ dàng cho bạn sử dụng và sáng tạo theo cách của riêng mình.

Từ cách sắp xếp văn bản, hình ảnh cho đến việc chọn lựa màu sắc và phông chữ, mọi yếu tố trong layout đều đóng góp vào sự thành công của một thiết kế. Layout không chỉ là một bước quan trọng trong quá trình thiết kế, mà còn là chìa khóa để truyền đạt thông điệp và tạo ấn tượng với khán giả.

2. Các yếu tố chính trong layout

Một layout thiết kế hiệu quả phụ thuộc vào việc sắp xếp hài hòa các yếu tố chính để tạo ra trải nghiệm thị giác lôi cuốn cho người nhìn. Vậy những yếu tố chính trong layout là gì?

2.1. Văn bản

Văn bản là thành phần cơ bản của bất kỳ thiết kế nào và cách nó được trình bày có thể ảnh hưởng đáng kể đến thẩm mỹ tổng thể của thiết kế. Các yếu tố văn bản bao gồm:

Font chữ: Các font chữ cụ thể có thể có phong cách khác nhau và bạn cần lựa chọn font chữ phù hợp với thiết kế của mình. Ví dụ, font chữ Times New Roman có thể tạo ra cảm giác truyền thống và trang trọng, trong khi font chữ Helvetica mang hơi hướng hiện đại và phù hợp với phong cách tối giản.

Typography: Typography là nghệ thuật sắp xếp và trình bày chữ viết nhằm tạo ra hiệu ứng thẩm mỹ và truyền tải thông điệp một cách hiệu quả. Typography bao gồm các khía cạnh khác như kerning (khoảng cách giữa các ký tự), tracking (khoảng cách giữa các từ) và leading (khoảng cách giữa các dòng).

Kích thước: Kích thước văn bản là yếu tố xác định mức độ ưu tiên và nhấn mạnh nội dung. Những đoạn văn bản có kích thước lớn thường là tiêu đề hoặc thông tin quan trọng cần được nhấn mạnh, trong khi đó văn bản có kích thước nhỏ thường được sử dụng cho nội dung chính.

Khoảng cách giữa dòng và chữ cái: Khoảng cách giữa các dòng (hay leading) và khoảng cách giữa các ký tự là yếu tố quan trọng để đảm bảo tính đọc. Các dòng và ký tự có khoảng cách hợp lý sẽ giúp văn bản dễ đọc hơn.

2.2. Hình ảnh

Hình ảnh là một công cụ mạnh mẽ trong layout để giúp thiết kế trở nên hấp dẫn hơn và truyền đạt thông điệp một cách hiệu quả. Việc lựa chọn hình ảnh đẹp mắt cũng như sắp xếp vị trí và kích thước của hình ảnh là rất quan trọng để tạo ra một bố cục cân đối. Hình ảnh đóng góp vào thiết kế bố cục qua:

Tác động thị giác: Hình ảnh có sức mạnh thu hút sự chú ý và tương tác của người xem. Cho dù đó là một bức ảnh, hình minh họa hay infographic, việc chọn lựa hình ảnh nên phản ánh mục đích và thông điệp của thiết kế.

Kích thước và vị trí: Kích thước và vị trí của hình ảnh trong bố cục ảnh hưởng đến sự cân bằng tổng thể của thiết kế. Những hình ảnh có kích thước lớn có thể được sử dụng như điểm nhấn, trong khi những hình ảnh nhỏ hơn có thể được sử dụng để bổ sung cho văn bản.

Nhất quán: Sự nhất quán trong phong cách hình ảnh như việc sử dụng cùng một bộ lọc hoặc xử lý màu sắc có thể tạo sự nhất quán cho bố cục và củng cố chủ đề tổng thể của nó.

2.3. Phần tử hình học

Các hình dạng được sử dụng để tạo cấu trúc và nhấn mạnh trong một bố cục. Chúng có thể làm cả hai nhiệm vụ là thực hiện chức năng và trang trí:

Cấu trúc: Các phần tử hình học có thể được sử dụng để tạo khung cho bố cục, từ đó tổ chức nội dung một cách hấp dẫn nhất.

Nhấn mạnh: Các phần tử hình học không đều hoặc tùy chỉnh có thể thu hút sự chú ý của người dùng đến các yếu tố hoặc khu vực cụ thể của thiết kế. Chúng cũng có thể được sử dụng để làm nổi bật thông tin chính hoặc tạo ấn tượng.

Tính đồng nhất và liên kết: Các phần tử hình học xuất hiện lặp lại trong thiết kế có thể tạo ra cảm giác đồng nhất và liên kết trong thiết kế. Điều này giúp kết nối các yếu tố khác nhau và mang lại cho bố cục cảm giác hài hòa hơn.

2.4. Lines

Đường (Lines) là yếu tố thiết kế vô cùng linh hoạt có thể phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau:

Điều hướng người dùng: Đường thẳng có thể được sử dụng để điều hướng sự chú ý của người xem khi nhìn vào thiết kế. Chúng có thể hướng sự chú ý đến những điểm cần tập trung.

Phân chia: Đường thẳng có thể hoạt động như một yếu tố để phân biệt các phần khác nhau của bố cục như cột văn bản hoặc nhóm hình ảnh.

Tạo hiệu ứng chuyển động: Đường cong và đường chéo có thể được dùng để gợi lên sự chuyển động và truyền đạt một năng lượng cụ thể. Ví dụ, hãy hình dung bạn nhìn thấy hình ảnh một chiếc xe cùng với đường cong, bạn có thể nghĩ rằng chiếc xe trong hình vừa rẽ hướng.

2.5. Khoảng trắng

Khoảng trắng là khu vực trống xung quanh và giữa các yếu tố thiết kế. Trong thiết kế layout, các khoảng trắng này cũng có vai trò của riêng mình:

Tạo không gian nghỉ cho mắt: Các khoảng trắng tạo ra không gian nghỉ cho mắt của người dùng và tránh việc họ phải tiếp nhận thông tin liên tục.

Giúp các phần thông tin trở nên rõ ràng hơn: Khoảng trắng sẽ giúp đảm bảo rằng các yếu tố không bị “chen chúc” và làm cho nội dung trở nên dễ hiểu hơn khi phân tách các phần thông tin khác nhau, giảm sự nhầm lẫn cho người đọc.

Làm nổi bật nội dung chính: Khoảng trắng có thể được sử dụng một cách có chiến lược để thu hút sự chú ý đến những nội dung chính như tiêu đề hoặc các nút kêu gọi hành động (CTA).

3. 5 quy tắc thiết kế layout chính

Khi thiết kế layout, có một số quy tắc có thể giúp bạn tạo ra bố cục đẹp mắt và hài hòa hơn. Những quy tắc này đã được nhiều người dùng áp dụng và trở thành một trong những kiến thức thiết kế cơ bản mà những ai muốn theo đuổi ngành thiết kế đồ họa đều nên biết.

3.1. Quy tắc một phần ba

Quy tắc một phần ba (Rule of Thirds) là một nguyên tắc cơ bản trong thiết kế và nhiếp ảnh. Nguyên tắc này đề cập đến việc chia bố cục hoặc khung hình thành một lưới với 9 phần bằng cách vẽ hai đường ngang và hai đường dọc, tạo thành 4 điểm giao nhau. Các yếu tố quan trọng trong bố cục hoặc khung hình nên được đặt gần hoặc trên các điểm này.

Nguyên tắc một phần ba dựa trên nguyên lý rằng việc đặt các yếu tố chính ở các điểm giao nhau sẽ tạo ra cảm giác hài hòa và tạo điểm nhấn mạnh mẽ hơn trong thiết kế. Các yếu tố như đối tượng chính, văn bản, đường thẳng hoặc yếu tố hình học quan trọng nên được đặt ở các điểm giao nhau hoặc dọc theo cá đường chia.

3.2. Quy tắc cân bằng

Quy tắc cân bằng trong thiết kế là một nguyên tắc quan trọng để tạo ra một bố cục hoặc hình ảnh hài hòa, hấp dẫn và dễ nhìn. Nguyên tắc này đảm bảo rằng các yếu tố trong thiết kế được sắp xếp một cách cân đối, không có không gian nào là quá trống trải hay quá ngột ngạt, tạo ra sự cân bằng và hài hòa tổng thể.

Có hai dạng cân bằng trong thiết kế:

Cân bằng đối xứng (Symmetrical Balance): Đây là loại cân bằng mà trong đó các yếu tố được phân bố đều đặn và đối xứng qua trục trung tâm. Các yếu tố sẽ cân bằng về hình dạng, kích thước, màu sắc và vị trí so với trục chính. Cân bằng đối xứng thường tạo ra một cảm giác ổn định, truyền thống và trang trọng trong thiết kế.

Cân bằng không đối xứng (Asymmetrical Balance): Đây là loại cân bằng mà trong đó các yếu tố không được phân bố đối xứng nhưng vẫn tạo ra một sự cân đối và hài hòa. Cân bằng không đối xứng có thể đạt được bằng cách cân nhắc kích thước, màu sắc, mật độ và vị trí của các yếu tố trong thiết kế. Cân bằng không đối xứng thường tạo ra cảm giác sáng tạo và năng động.

3.3. Quy tắc nhấn mạnh

Quy tắc nhấn mạnh (Emphasis) trong layout design là một quy tắc quan trọng để tạo ra điểm nhấn mạnh mẽ và thu hút sự chú ý vào một yếu tố cụ thể trong thiết kế. Quy tắc này giúp tạo ra sự tương phản và sự phân biệt giữa các yếu tố, làm nổi bật một phần tử quan trọng hoặc truyền đạt một thông điệp đặc biệt.

Có một số cách để áp dụng quy tắc nhấn mạnh trong thiết kế:

Kích thước: Sử dụng kích thước lớn hơn cho một yếu tố so với các yếu tố khác sẽ giúp làm nổi bật yếu tố đó. Những yếu tố có kích thước lớn thường gây ấn tượng mạnh và được chú ý hơn.

Màu sắc: Sử dụng màu sắc tương phản hoặc màu sắc đặc biệt sẽ làm nổi bật một phần tử nào đó trong thiết kế. Màu sắc tươi sáng hoặc màu sắc đột phá sẽ thu hút sự chú ý và tạo điểm nhấn.

Độ tương phản: Sử dụng sự tương phản trong màu sắc, ví dụ như độ sáng tối hoặc độ tương phản về hình dạng có thể giúp nhấn mạnh một yếu tố nào đó. Sự đối lập giữa các yếu tố sẽ giúp người xem nhận biết được đâu là yếu tố được nhấn mạnh.

3.4. Quy tắc số lẻ

“Quy tắc số lẻ” (Rule of Odds) trong layout design chỉ việc sử dụng số lẻ, như 1, 3, 5, để tạo ra sự cân bằng, hài hòa và hấp dẫn trong bố cục và thiết kế nghệ thuật. Các quy tắc số lẻ có nguồn gốc từ nguyên tắc thiết kế được coi là hấp dẫn hơn khi sử dụng số lẻ thay vì số chẵn.

Thực tế, mắt người có xu hướng di chuyển về điểm trung tâm của một nhóm vật thể. Khi có số lượng lẻ, điểm trung tâm sẽ được xác định rõ ràng hơn, tạo ra sự cân bằng và ổn định cho bố cục.

Ví dụ, bạn có thể sử dụng 3 hình ảnh, 5 biểu tượng hoặc 1 tiêu đề chính và 3 tiêu đề phụ trong thiết kế của mình. Quy tắc số lẻ cũng được áp dụng trong chụp ảnh để tạo ra bố cục đẹp mắt hơn.

3.5. Quy tắc lưới (The Grid)

Lưới (Grid) là một hệ thống gồm các dòng và cột ảo, được sử dụng để chia không gian thiết kế thành các vùng riêng biệt và tạo ra một cấu trúc hợp lý. Lưới giúp xác định các khu vực và không gian bên trong thiết kế, đồng thời tạo ra một hệ thống căn chỉnh và truyền tải thông tin một cách hợp lý. Quy tắc lưới còn được xem là một trong 25+ xu hướng thiết kế website mới nhất chuẩn SEO 2024.

Quy tắc lưới là một công cụ hữu ích trong thiết kế, giúp tạo ra bố cục thống nhất, cân bằng và dễ nhìn. Các cột và hàng trong lưới được căn chỉnh theo một khoảng cách và biên nhất định. Khoảng cách giữa các cột và hàng giúp tạo ra sự cân đối và tránh sự rối mắt trong thiết kế.

Layout chính là xương sống của mọi thiết kế quyết định cách người xem “đọc” và tương tác với sản phẩm của bạn. Dù bạn làm in ấn, digital hay trải nghiệm tương tác việc nắm vững khái niệm, nguyên tắc, quy trình và không ngừng thực hành sẽ giúp bạn tạo ra những thiết kế không chỉ đẹp mắt mà còn đầy sức thuyết phục.

 
 
Hotline

0868 33 9999
Hotline
Hotline
Xác nhận Reset Key/ Đổi Máy

Bạn có chắc chắn muốn Reset Key/ Đổi Máy trên Key này không?

Máy tính đã kích hoạt Key này sẽ bị gỡ và bạn dùng Key này để kích hoạt trên máy tính bất kỳ.