Trong thế giới thiết kế đầy màu sắc và cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, “sáng tạo” không còn là lợi thế mà nó là điều kiện bắt buộc. Bạn có thể thành thạo phần mềm, am hiểu bố cục và nắm rõ quy tắc màu sắc nhưng nếu thiếu đi tư duy sáng tạo, sản phẩm của bạn sẽ dừng lại ở mức “đúng kỹ thuật” mà không tạo được cảm xúc. Và điều quan trọng là sáng tạo không tự nhiên mà có. Không ai sinh ra đã luôn đầy ắp ý tưởng hay ho trong đầu. Đó là kết quả của sự rèn luyện, quan sát, tiếp xúc và thử nghiệm mỗi ngày. Bài viết này sẽ chia sẻ đến bạn những tips đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả để giúp nuôi dưỡng và phát triển khả năng sáng tạo. Không chỉ dành cho những designer mới vào nghề mà cả những người đã làm lâu năm nhưng đang gặp “khủng hoảng ý tưởng”.
Một trong những rào cản lớn nhất của những người làm sáng tạo đặc biệt là trong lĩnh vực thiết kế, chính là suy nghĩ: “Tôi không có khiếu sáng tạo”.
Thực tế, nhiều nghiên cứu về tư duy và thần kinh học đã chỉ ra: sáng tạo là kỹ năng, không phải đặc ân của một nhóm người may mắn nào đó. Điều đó có nghĩa là: bạn hoàn toàn có thể học và luyện tập để trở nên sáng tạo hơn.
Ngay cả những nghệ sĩ và nhà thiết kế lừng danh như Pablo Picasso, Paula Scher hay Stefan Sagmeister – họ đều từng trải qua những giai đoạn “bí ý tưởng”, và họ vượt qua nó không phải bằng phép màu, mà bằng thói quen sáng tạo đều đặn mỗi ngày.
Nếu bạn coi sáng tạo như cơ bắp thì việc luyện tập mỗi ngày sẽ giúp nó khỏe hơn, linh hoạt hơn và bền bỉ hơn trong quá trình làm nghề.
Trong quá trình rèn luyện, thay vì tập trung vào chất lượng đầu ra hãy tập trung vào số lượng. Các bài tập về số lượng sẽ giúp bạn bật tung ý tưởng, ngay cả những ý tưởng chưa tốt.
Khi bạn cần ý tưởng mới hãy viết tất cả những key word hoặc phác thảo thật nhiều bố cục đang lóe lên trong đầu bạn lên giấy. Sau đó hãy dành thời gian để xem lại và chọn ra những ý tưởng khả thi nhất.
Lưu trữ những thiết kế mà mình yêu thích là một thói quen có thể giúp ích cho bạn về lâu dài. Mỗi khi bạn nhìn thấy một tác phẩm thiết kế truyền cảm hứng, hãy chụp ảnh hoặc note lại và đưa vào bộ sưu tập của mình. Đây sẽ là nguồn cảm hứng tuyệt vời để bạn tạo ra một thiết kế tuyệt vời.
Hãy sắp xếp chúng một cách khoa học theo chủ đề, tác giả, màu sắc… để bạn có thể tìm kiếm một cách dễ dàng. Ngoài ra, bạn cũng có thể chuẩn bị một cuốn sổ để phác thảo những ý tưởng của mình. Có thể ngay tại thời điểm này bạn chưa cần dùng đến nhưng có thể một ngày nào đó chúng sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn.
Những group về thiết kế trên mạng xã hội hoặc các nền tảng trực tuyến như Dribbble, Behance, Freepik… là nơi giúp bạn tìm thấy những nguồn cảm hứng sáng tạo tuyệt vời.
Gia nhập vào cộng đồng các nhà thiết kế không chỉ cung cấp cho bạn những tin tức và xu hướng mới nhất của thế giới thiết kế, mà còn cho bạn cơ hội thảo luận với các nhà thiết kế khác. Không chỉ vậy, bạn có thể tải các tác phẩm của mình và nhận được những phản hồi quý giá để cải thiện bản thân.
Xem phim, chơi game, du lịch… là một số hình thức giải trí được rất nhiều người lựa chọn khi cần giải tỏa căng thẳng hoặc tìm kiếm nguồn cảm hứng mới. Ngoài những cách này, các bạn có thể thử làm một điều gì đó mới mà trước đây chưa từng làm như: đi bộ thay vì đi xe, thử một món ăn hoặc đồ uống mới…
Đừng rập khuôn bản thân vào bất kỳ giới hạn nào. Khi bạn thử một điều mới thì cũng là lúc bạn bước ra khỏi vùng an toàn của mình, học hỏi được nhiều hơn, mở mang tâm trí và thúc đẩy tư duy sáng tạo.
Tips cuối cùng và cũng quan trọng nhất nên phải nhắc lại 3 lần. Sáng tạo là một khả năng hoàn toàn có thể rèn luyện được vì thế hãy dành thời gian để luyện tập mỗi ngày nhé. Chẳng cần phải cầu kỳ, bạn có thể thực hành các bài tập rèn luyện sự sáng tạo đơn giản như: hoàn thiện một hình vẽ từ hình cho trước, phác thảo thật nhiều hình từ các khối vuông, tròn, tam giác có sẵn,…
Chìa khóa của sự sáng tạo là giải phóng bản thân khỏi những khuôn mẫu cố định và cho phép phần vô thức trong tâm trí tiếp quản. Vì vậy, trong lúc luyện tập hãy để trí tưởng tượng của bạn được bay cao, bay xa.
Trong cuộc sống hiện đại, chúng ta thường bị cuốn vào vòng xoáy “phải luôn bận rộn” luôn làm gì đó, luôn phải tạo ra điều gì đó. Nhưng nếu bạn là dân thiết kế, có một bí quyết tưởng chừng đi ngược với logic: muốn sáng tạo tốt hơn, hãy… không làm gì cả.
Nghe có vẻ vô lý, nhưng khoa học lại ủng hộ điều này. Khi bạn để đầu óc thư giãn, không bị áp lực bởi deadline hay ý tưởng, não bộ sẽ bước vào trạng thái Incubation “ấp ủ ý tưởng”. Đây là giai đoạn mà những thông tin, hình ảnh, cảm hứng bạn đã vô thức tiếp nhận được não “ngầm” xử lý, kết nối lại với nhau. Và rồi ý tưởng đột phá xuất hiện trong khoảnh khắc bạn không ngờ tới nhất.
Hãy tập cho mình thói quen nghỉ ngơi có chủ đích: không điện thoại, không email, không lướt mạng. Đơn giản chỉ là để bản thân được “thở”, được trống rỗng trong vài phút. Bạn sẽ bất ngờ với những điều mà tâm trí mình mang lại.
Trong quá trình thiết kế, đôi khi bạn sẽ cảm thấy bế tắc không phải vì thiếu kỹ năng mà vì não bộ đang tự giới hạn mình trong những lối mòn quen thuộc. Bạn cố gắng nghĩ khác đi, nhưng lại không biết nên bắt đầu từ đâu? Lúc này, có một công cụ cực kỳ đơn giản nhưng đầy sức mạnh có thể giúp bạn: hãy bắt đầu bằng một câu hỏi “Nếu…”
Đây không chỉ là một trò chơi tưởng tượng, mà là một cách “hack” tư duy để mở rộng cách nhìn nhận vấn đề. Khi bạn đặt những giả định lạ, đôi khi là ngớ ngẩn, đôi khi là không tưởng. Bạn đang ép não phải rời khỏi vùng an toàn và suy nghĩ theo hướng hoàn toàn mới mẻ.
Hãy thử hình dung:
Nếu poster này được thiết kế theo phong cách hoạt hình thì sao?
Có thể bạn sẽ thay bảng màu hiện tại bằng những gam màu tươi sáng, thêm chi tiết vui nhộn, hoặc đơn giản hóa bố cục để gần gũi hơn với trẻ nhỏ.
Nếu mình phải thiết kế lại app này cho… người mù thì sao?
Bỗng dưng, bạn bắt đầu nghĩ đến âm thanh, độ rung phản hồi, điều hướng bằng giọng nói – những yếu tố trước giờ chưa từng nằm trong bản phác thảo.
Nếu logo này được in trên bánh thì hình dạng cần thay đổi gì?
Bạn sẽ cân nhắc đến yếu tố 3D, vật liệu (kem, socola, bột đường), độ đơn giản trong đường nét – để logo vẫn nhận diện được khi... ăn vào miệng.
Những câu hỏi tưởng chừng ngẫu hứng này buộc bạn nhìn vấn đề từ một góc nhìn hoàn toàn khác. Và từ đó mở ra những ý tưởng mà bình thường não bạn sẽ “lướt qua” vì quá quen thuộc với cách nghĩ cũ.
Sáng tạo không đến từ những khoảnh khắc bốc đồng, mà là kết quả của sự nuôi dưỡng lâu dài. Là một designer, bạn đang làm một công việc tuyệt vời – nơi bạn có thể biến ý tưởng thành sản phẩm, cảm xúc thành hình ảnh, suy nghĩ thành trải nghiệm. Hãy kiên trì luyện tập, giữ cho tâm trí luôn tò mò và đôi tay không ngừng tạo ra giá trị. Và bạn sẽ thấy sáng tạo là một thói quen, càng làm càng “thấm”.
Bạn có chắc chắn muốn Reset Key/ Đổi Máy trên Key này không?
Máy tính đã kích hoạt Key này sẽ bị gỡ và bạn dùng Key này để kích hoạt trên máy tính bất kỳ.